Trí tuệ nhân tạo đã bùng nổ, ‘luật chơi’ ở đâu?

(PLO)-Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo đà cho ngành công nghệ số phát triển, đồng thời bảo vệ quyền con người trong không gian mạng.

0:00/0:00
0:00

Sáng 5-6, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Vấn đề pháp luật về công nghệ số, kinh tế số (khung pháp lý về công nghiệp công nghệ số)”. Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia pháp lý đến từ các trường đại học, tổ chức hành nghề luật và doanh nghiệp.

Pháp luật định hướng phát triển công nghệ số

Theo GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Pháp luật, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự bùng nổ của công nghệ số đang tái định hình sâu sắc nền kinh tế toàn cầu, thể chế pháp luật giữ vai trò trụ cột vừa dẫn dắt định hướng, vừa kiểm soát sự phát triển của công nghiệp công nghệ số (CNCNS).

Tuy nhiên, theo GS.TS Phan Trung Lý, hệ thống pháp lý tại Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể là khoảng trống và sự chồng chéo pháp lý trong việc điều chỉnh hoạt động số hóa và sản xuất số; thiếu hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo và thử nghiệm công nghệ (sandbox); chưa hình thành khung pháp lý về chủ quyền dữ liệu, sở hữu dữ liệu và khai thác tài nguyên số; thiếu cơ chế bảo vệ quyền con người trong không gian số; và những bất cập trong cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực CNCNS.

Để giải quyết, ông đề xuất các giải pháp như xây dựng Luật CNCNS, hoàn thiện pháp luật về quyền tài sản số và dữ liệu số, cùng các chính sách ưu đãi đầu tư và phát triển hạ tầng số. Đồng thời cũng nhấn mạnh, việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để điều chỉnh CNCNS ở Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế quốc gia, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm quyền con người, an ninh quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững.

QC

X
auto skip

Tương tự, PGS.TS Lê Minh Hùng, Trưởng khoa Luật và Khoa học chính trị, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những thách thức pháp lý ngày càng phức tạp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền con người. Dù Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để định hướng phát triển AI, nhưng hiện vẫn chưa có một khung pháp luật toàn diện để điều chỉnh công nghệ này.

Sự thiếu vắng một đạo luật riêng và các cơ chế thực thi rõ ràng đã tạo ra khoảng trống pháp lý, làm hạn chế khả năng kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền con người trong môi trường số.

TRÍ TUỆ NHÂN TỌA
PGS.TS Lê Minh Hùng, Trưởng khoa Luật và Khoa học chính trị, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. ẢNH: PHẠM ANH

Phân tích thực tế hệ thống pháp luật và chính sách về AI tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Hùng cho rằng có năm khoảng trống lớn.

Thứ nhất là thiếu đạo luật riêng điều chỉnh AI, quy định về dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư còn thiếu và yếu. Thứ hai là thiếu cơ chế xác lập trách nhiệm pháp lý và giải trình khi AI gây thiệt hại. Thứ ba là thiếu cơ quan chuyên trách và chưa triển khai cơ chế sandbox rõ ràng. Thứ tư, thiếu chuẩn mực đạo đức và hệ thống giáo dục phổ cập về AI. Thứ năm là thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật và khung đánh giá rủi ro AI.

Từ đó, PGS.TS Hùng kiến nghị cần có các giải pháp hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về AI theo hướng tiếp cận dựa trên rủi ro, tích hợp quy phạm đạo đức, xác lập rõ trách nhiệm pháp lý và bảo đảm quyền cá nhân.

Ông cũng đề xuất điều chỉnh, bổ sung Dự thảo Luật CNCNS nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi và hiệu lực thực thi. Đây là những đóng góp bước đầu có ý nghĩa học thuật và thực tiễn, làm cơ sở cho nỗ lực lập pháp về AI tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực pháp lý

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Quý, Giám đốc điều hành BRS Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu và tư vấn pháp luật.

trí tuệ nhân tạo
Ông Trần Quang Quý, Giám đốc điều hành BRS Việt Nam. ẢNH: THU HÀ

Ông Quý cho rằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực pháp luật không chỉ là một giải pháp kỹ thuật, mà còn thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 57 về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Pháp luật vốn là nền tảng điều chỉnh các quan hệ xã hội và định hướng cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật còn phân tán, gây khó khăn trong việc tra cứu văn bản; khoảng cách giữa quy định và khả năng hiểu, áp dụng của người dân còn lớn. Chính vì thế, việc xây dựng một hệ sinh thái pháp luật số với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây… sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận, tra cứu, tổng hợp thông tin ngay trên thiết bị di động”- ông Quý phân tích.

Bên cạnh đó, ông Quý đề xuất cần thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực pháp lý. Với mô hình này, các chuyên gia, luật sư, giảng viên, doanh nghiệp và người dùng có thể kết nối với nhau trên các nền tảng số để sử dụng dịch vụ pháp lý, từ tư vấn, đọc hiểu văn bản, tiến tới hoạt động như một “chợ pháp lý số”.

Dù vậy, để mô hình này phát triển, ông Quý cũng như các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho mô hình tư vấn pháp luật trực tuyến theo cơ chế chia sẻ. Đồng thời, cần có thêm cơ chế khuyến khích xã hội hoá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ thông tin người dùng.

Ngoài ra, Nhà nước cũng phải đóng vai trò định hướng, kiểm soát chất lượng nội dung và xác thực các chuyên gia pháp lý tham gia vào hệ thống.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay